Bài học về trân trọng
1 tháng 1 2023
3 phút đọc
nhận thức
trải nghiệm
Bài học về trân trọng

Thời gian là một dòng chảy liên tục. Ấy thế mà chúng ta vẫn có những cái mốc để cùng nhìn lại quá khứ và nghĩ đến tương lai. Đầu năm mới là một dịp như thế. Ngẫm ra thì cuộc đời mỗi con người khác nhau nhiều lắm, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, muôn hình vạn trạng. Con người ta có được cái này hay thiếu đi cái khác là chuyện đương nhiên. Khi nhìn lại một năm đã qua, trong sâu thẳm, có lẽ mỗi chúng ta đều thấy tự hào một chút và thấy nuối tiếc một chút.

Năm 2022 đã qua. Đôi khi tôi không rõ mình đã làm được gì và đánh mất gì nữa. Ngồi xuống làm cốc cà phê thì tôi chẳng còn nhớ gì trong đầu. Tôi rất hay chụp ảnh, việc gì cũng chụp cho khỏi quên. Thế nên tôi phải mở lại Google Photos ra xem lại, ồ năm nay cũng nhiều sự kiện ra phết, nhưng về cơ bản là nhẹ nhàng. Đôi khi tôi thấy một cuộc sống bình an là may mắn, nhưng nó cũng dễ dàng trôi đi mà không để lại bài học gì. Thành ra tôi hay phải tự nhủ rằng bài học sẽ đến từ những điều nhỏ bé.

Năm nay có lẽ bài học về sự trân trọng nó nổi bật hơn tất cả. Tôi phải chia tay với một số người bạn lâu năm. Người thì về nước chắc khó gặp lại, người thì có hướng đi khác, vân vân. Rồi tôi lại thấy người ta chia ly nhau trong nuối tiếc. Rồi tôi thấy bản thân mình cũng quan trọng đối với người xung quanh. Tôi thường phải đặt câu hỏi ngược lại: đối với tôi, những người xung quanh quan trọng như thế nào?

Tôi nghĩ rằng để học được bài học trân trọng, chúng ta nên thường trực một câu hỏi: Mình đang có những gì? Thêm vào đó lại phải tránh câu hỏi: Mình đang thiếu cái gì? Nghe có vẻ sai sai, phải biết mình thiếu cái gì mà phấn đấu chứ. Thật ra cái gì tôi cũng thiếu, rằng thiếu thời gian vì còn bao thứ muốn làm, rằng thiếu nhiều tiền, rằng thiếu trải nghiệm du lịch, rằng thiếu đôi cánh mà bay như chim. Nói chung tưởng tượng được cái gì thì thiếu cái đó. Khổ lắm. Vì thế mà không nên nghĩ về cái thiếu, sẽ rất mệt mỏi.

Nghĩ về những cái mình đang có lại rất đáng quý. Thời gian tôi có để làm việc mình cần, tiền tôi cũng có tạm đủ sống, du lịch thì thú thật nguyên đi quanh xóm cũng vui rồi. Nhưng trong tất cả, cái cần nghĩ đến nhiều nhất có lẽ là những người xung quanh. À mà chưa chuẩn, chính xác hơn, cái cần nghĩ đến nhiều nhất phải là hạnh phúc của những người xung quanh. Nếu tôi nghĩ đến người ta mà gây đau khổ cho họ thì tốt nhất không nên giữ người ấy bên mình.

Trong ứng xử giữa người với người, có lẽ lời nói là quan trọng nhất. Lời nói trong lúc bản thân không thoải mái có thể làm đổ vỡ những chuyện không đáng. Nhưng mà khi thân tâm đang bức bí thì nói ra lời êm đẹp khó khăn lắm. Cục tức trong người nhất định phải ném ra. Kiểm soát cơn giận quả là cả một nghệ thuật.

Đến đây tôi lại nhớ đến lời Phật dạy về tứ vô lượng tâm. Tôi vốn ưa lý lẽ rành mạch nên phân chia 4 tâm ấy thế này:

đồng cảm với điều tốt điều xấu
người ngoài Từ Bi
chính mình Hỷ Xả

Phật dạy, đối với người khác thì từ bi, đối với bản thân thì hỷ xả. Tôi cho rằng trước nhất nên học cho chính mình trước, và bài học về kiểm soát cơn giận nên đưa lên đầu. Tâm xả nên được chú trọng đầu tiên. Khi mình có thể buông cơn giận thì mới tạo niềm vui cho bản thân được. Sau đó mới có thể ứng xử tốt với người ngoài. Vì thế, để trân trọng người bên mình, trước nhất phải học cách xả cơn khó chịu.

Cơn khó chịu thì nhiều lắm, cũng muôn hình vạn trạng. Có người thành thói quen, gặp việc gì cũng phải khó chịu với nó trước đã. Nhiều người lại do thể trạng vật lý như đói bụng, mệt mỏi hay ốm bệnh. Có trường hợp lại do định kiến mà không ưa. Tất cả tựu chung đều là triệu chứng của việc không chấp nhận được cái khó chịu bên trong mình. Khi cơn giận nhen nhóm, hoặc là ta xả nó đi, hoặc là ta đổ thêm dầu cho nó bùng lên.

Cái gì cháy trụi rồi thì lấy lại làm sao? Tạm biết như thế thì gặp chuyện gì tôi cũng cố tự nhủ: thôi xả đi. Nhưng mà vẫn khó lắm.