Đến với thế giới tâm linh, người ta hay nói về chữ Đạo. Khái niệm Đạo được sử dụng trong nhiều học thuyết khác nhau, mỗi người lại có cách diễn giải riêng. Thông thường, Đạo được hiểu là con đường dựa trên cái thiện, cái đẹp, cái tự nhiên để mang lại những điều tốt đẹp cho con người.
Tuy nhiên, con người ta thường mang cái nhìn chủ quan. Thế giới này dường như được tạo ra để phục vụ con người. Mọi thứ xảy ra dù tốt hay xấu dường như đều xoanh quanh con người. Ngay cả cái tốt hay xấu ấy cũng do tiêu chuẩn của con người mà ra. Âu cũng có phần đúng vì thế giới chính là hình ảnh phản chiếu của mỗi chúng ta mà.
Chỉ khi con người hoàn toàn thoát ra khỏi cái tư tưởng chủ quan thì mới thấy được chữ Đạo một cách tận cùng rốt ráo. Mà để thoát khỏi tư tưởng chủ quan, các bậc đi trước đã trải nghiệm và nói nhiều. Nói ngắn gọn lại thì đó là chữ Không trong đạo Phật. Tuy nhiên bài viết này sẽ không nói về con đường đạt đạo, mà về Đạo như một khái niệm, một thực thể hay một sự thật. Nếu như không thể nhận thức Đạo, ít nhất chúng ta cũng suy ngẫm xem cái gọi là Đạo nó phải có tính chất gì.
Đạo bao trùm và hiện diện
Nói tiếp về Đạo, tôi thấy cách mô tả của Lão Tử có vẻ rất hợp lý.
Có một thứ gì đó sinh ra cả trời đất, lặng lẽ, trống không, đứng riêng biệt không đổi thay, tuần hoàn không biết mệt mỏi, bao quát cả những thứ hữu hình và vô hình, ta không rõ tên là gì, gọi nó là đạo.
Lão Tử cho rằng có một cái gì đó tồn tại trong vạn vật nhưng chúng ta không thể chạm tới nó, hoặc chí ít là với nhận thức của con người thì không thể. Đạo là một cái gì đó bao trùm và hiện diện ở mọi lúc mọi nơi. Đây cũng là lý do khiến cho chúng ta khó mà nhận ra sự tồn tại của đạo. Giống như con cá ở trong nước khó mà thấy nước.
Chỉ khi suy ngẫm về câu hỏi muôn thủa “mục đích của sự sống là gi?”, chúng ta mới lờ mờ thấy được ý nghĩa của đạo. Tôi thường mô tả đạo một cách ngắn gọn là một mục đích cơ bản nhất. Cái mục đích ấy có sẵn trong mọi sự sống và làm nền tảng cho sự sống. Đó không phải là mục đích của một con người, kiểu như tôi sống để làm việc, hay tôi sống vì tổ quốc. Mục đích như vậy quá phức tạp và thuộc về xã hội. Cái mục đích cơ bản nhất tôi đang nói đến nằm trong mọi hình thái sống, từ cái cây, con kiến đến con người.
Xét về mặt vật lý, vật chất trong vũ trụ này là vô tri. Ấy vậy mà sự sống lại sinh sôi nảy nở từ chính những vật chất vô tri đó. Vật chất tồn tại nhờ có 4 lực cơ bản: trọng lực, điện từ, lực hạt nhân yếu và mạnh. Những lực này giúp vật chất liên kết với nhau để tạo ra vũ trụ vật chất. Chúng ta đặt câu hỏi: có một “lực” nào tạo nên sự liên kết của vật chất để tạo nên sự sống hay không? Rõ ràng có một “lực” nào đó khiến cho vật chất vô cơ có xu hướng duy trì những cấu trúc phức tạp của sự sống. Nhiều người gọi đó là hoạt lực của thượng đế, tôi thì gọi đó là đạo.
Nói thêm một chút về vật lý, vũ trụ vật chất luôn có xu hướng trở về trạng thái cân bằng. Ví dụ như bạn nhỏ một giọt mực vào cốc nước, giọt mực đó sẽ loang dần ra và dần dần hoà toàn bộ vào nước. Sau cùng, mực và nước ở một trạng thái cân bằng gọi là hoà tan. Sự sống lại khác, đó là quá trình tương tác giữa các chất hoá học để giữ cho chúng không đạt tới trạng thái cân bằng. Cân bằng là vô tri, mất cân bằng là có sự trao đổi tức là sống. Ở mức độ cơ bản nhất của vật lý, đạo giống như “lực” thúc đẩy sự mất cân bằng đó.
Tại sao lại có lực đó, tôi thật sự không biết. Chỉ biết rằng nhờ có lực đó mà có sự sống. Hoặc có thể nói, nhờ quan sát sự sống và vật chất vô cơ mà tôi thấy rằng phải tồn tại một lực như thế. Lực đó gọi là đạo.
Đạo nơi con người
Như vậy đạo là một lực thúc đẩy cho cho sự sống, vì thế đạo cũng biểu hiện ở mức độ cao hơn trong mỗi con người chúng ta. Thật ra nếu quan sát con kiến hay cái cây, chúng ta rất khó cảm nghiệm được đạo. Thứ duy nhất và tốt nhất để nhận ra cái mục đích nguyên thuỷ ấy là quán chiếu chính bản thân mình. Nhận ra đạo chính là nhận ra mục đích sống nguyên thuỷ nhất. Nhận ra rồi thì không còn hỏi nữa.
Lão Tử lại viết “Cố thất đạo nhi hậu đức”, tức là khi mất Đạo thì mới cần tới Đức. Một người khi đã ở trong Đạo thì mọi hành động của họ đã hợp tự nhiên và có Đức ở đó. Họ không có bất kỳ tiêu chuẩn đức hạnh nào cần phải giữ gìn cả. Như thế là sống tốt rồi.