Đó là một buổi sáng chủ nhật. Thành phố ít người qua lại và yên tĩnh nhẹ nhàng. Một thanh niên trẻ độ chừng 17 tuổi đang bước đi trên phần đuờng đi bộ của cầu Long Biên. Anh dừng lại bên thành cầu, nhìn xuống dòng nước cao hơn 40m phía duới. Anh nhìn lên bầu trời, dừng lại một chút, hít một hơi thật sâu. Khí lạnh buổi sáng khiến anh rùng mình. Anh đứng sát thành cầu và tự lẩm nhẩm với một vài suy nghĩ đang diễn ra trong đầu.
“Xin chào?”, một giọng nói từ phía sau, tông giọng như đang hỏi. Cậu thanh niên quay lại. Đó là một ông lão chạc 70 tuổi đang ngồi ở phía lan can đi bộ giữa cầu. Ông lão ngồi một mình, đeo một chiếc kính râm và bên cạnh là một chiếc gậy chống.
Cậu thanh niên nói: “xin lỗi, cháu không biết bác đang ngồi đây”.
Ông lão trả lời: “không sao”, rồi tiếp tục nhìn nhưng không huớng về phía cậu thanh niên.
“Hôm nay trời có vẻ đẹp?” - ông lão tiếp tục.
Cậu thanh niên nhìn quanh rồi trả lời: “Vâng”, giọng hơi trùng và ngập ngừng.
“Nghe có vẻ không đẹp lắm nhỉ?”, ông lão đáp, “nghe cậu nên tôi cảm thấy thế, chứ tôi chẳng nhìn được gì”.
Cậu thanh niên e dè hỏi: “Bác… bị khiếm thị ạ?”
Ông lão trả lời: “Vâng, tôi bị mù bẩm sinh” và cuời nhẹ khi thấy sự e dè của cậu thanh niên. Rồi ông lão cuời nói: “không sao đâu, tôi quen rồi”.
Ông lão tiếp tục hỏi: “Vậy hôm nay trời có đẹp không?”
Cậu thanh niên nói: “Vâng đẹp ạ. Kiểu như mặt trời mọc, có ít mây nhưng nói chung là trời đẹp ạ.”
Ông lão mỉm cuời và gật đầu. Ông dừng lại một chút không nói gì.
“Tôi tên Lưu” - ông lão bắt chuyện tiếp.
“Cháu tên Thái” - cậu thanh niên đáp lại.
Thái quay lại thành cầu, nhìn xuống mặt nước thêm một lúc. Ông Lưu nói: “Nếu hôm nay là một ngày đẹp trời, cậu ngồi lại đây giúp tôi một việc được không?”
“Vâng… việc gì ông?” - Thái quay lại nhìn ông Lưu và ngập ngừng trả lời.
Ông Lưu nói: “Cậu có thể miêu tả cho tôi không?”
Cậu Thái nói: “Miêu tả gì ạ?”
Ông Lưu nói: “Tất cả cái gì cậu thấy, bầu trời, cái gì cũng được.”
Thái quay lại chỗ ông Lưu và ngồi xuống. Cậu nhìn lên trời và bắt đầu: “Ừm… trời sáng nay có màu xanh. Có ít mây ở chỗ này chỗ kia. Ừm… mây thì có chỗ màu xám và ít màu cam ở đuờng viền. Mây nhìn như là bông trong mấy cái gối. Mặt trời thì đang ở sau một đám mây to ở kia… nên là ánh sáng nó chiếu ra màu hơi da cam. Các màu đấy nó trộn với nhau liền mạch khá đều chứ không tách rời ra. Ừm… cháu thấy cũng đẹp.”
Ông Lưu hơi gật gật như đang vẽ lại lời kể trong đầu. Rồi ông nói: “Thế màu xanh và màu xám trông như thế nào? Rồi ánh sáng màu cam, mây như bông trông thế nào? Cậu có thể miêu tả kỹ hơn không?”
Thái dừng lại vài giây rồi nói: “Vâng… ừm… màu cam thì trông có vẻ ấm áp, kiểu như có hơi ấm toả ra.” - Thành đang nghĩ xem nên tiếp tục thế nào.
Ông Lưu ngắt lời: “Ấm áp là thế nào cậu? Một thứ trông ấm áp là sao? Tôi chưa bao giờ hiểu cái này.”
Thái nói: “Ấm áp kiểu như nó trong, sáng và đậm màu. Như màu cam nhìn sẽ cảm thấy ấm, chứ thật ra mình không ấm”.
Ông Lưu hỏi: “Còn màu xanh?”
Thái trả lời: “Màu xanh thì mát và sáng, giống như là bác lau chùi cái gì đó. Mặt nước giờ cũng có màu xanh.”
Ông Lưu hỏi tiếp: “Mặt nước trông thế nào?”
Thái nói: “Mặt nước thì trông kiểu như… thủy tinh… cháu không biết, nhưng có những gợn sóng nhỏ làm mặt nước rung động. Đằng kia chỗ bờ nước có mấy tảng đá.”
Ông Lưu ngắt lời: “Quanh đây có tảng đá nào không?”
Thái nhìn quanh rồi nói: “Đây có mấy hòn nhỏ nhỏ như đá cuội.”
Ông Lưu hỏi: “Trông mấy hòn đá nhỏ đấy thế nào? Lúc cậu nhìn gần nó, các chi tiết cụ thể ra sao?”
Thái nhặt một ít đá bên cạnh và đưa gần lên mặt để xem cho kỹ: “Mấy hòn này giống như đá bình thường thôi ạ… trông giống như đá.”
Ông Lưu hỏi: “Cái gì làm cho chúng trông giống đá?”
Thái nói: “Cháu đoán là… nó tròn hoặc không tròn. Trông nó giống như thuộc về đất, không biết ông có hiểu không. Trên mấy hòn đá này có những chấm và vạch nhỏ nhỏ. Mấy cái chấm vạch này làm thành các hình khác nhau, nhưng mà không có hình nào đều cả. Hình dạng với các vân trên đá này thì không khớp nhau, mỗi hòn một kiểu. Có hòn này trông đẹp này” - Thái vừa nói vừa nhặt ra một hòn.
Ông Lưu hỏi: “Tại sao hòn đấy lại đẹp?”
Thái trả lời: “Cháu không biết. Cháu… thấy thích hình dáng của nó. Hòn này còn hơi trong suốt, có thể nhìn xuyên qua.”
Ông Lưu hỏi: “Cậu có thể miêu tả rằng nhìn xuyên qua là thế nào không? Tôi cũng chưa bao giờ biết nó như thế nào.”
Thái tiếp tục cố gắng diễn giải bằng cách so sánh các chi tiết, các đồ vật và các cảm nhận khác nhau. Câu chuyện của hai người cứ thế tiếp tục, càng ngày càng chi tiết và có phần mờ mịt hơn theo sự quan sát sâu vào thực tại của Thái.
Cuối cùng, với mỗi thứ và mỗi chi tiết, Thái đi đến một điểm mà anh cảm thấy rất khó khăn để diễn tả lại bằng lời, hoặc so sánh để giải thích sâu hơn cho ông Lưu. Mỗi lần như vậy, Thái cảm thấy mình đang trải nghiệm một cảm giác kỳ lạ. Thái cảm thấy mọi thứ xung quanh trở nên phi lý và hấp dẫn lạ thường, và anh nhận ra thật khó khăn để có thể mô tả bất kỳ thứ gì đó một cách toàn diện. Thái liên tục thấy mình bị lạc lối trong khi quan sát như thế và đôi khi quên mất cả bản thân mình khi đắm chìm vào sự quan sát ấy.
Ông Lưu hỏi về thứ này rồi thứ khác, tiếp tục câu chuyện qua lại. Họ ngồi cạnh nhau 1 tiếng rưỡi như vậy. Trong khi Thái vẫn tiếp tục tìm cách mô tả những điều mình nhìn thấy, anh không biết thời gian đang trôi qua. Ông Lưu bất ngờ nói: “Thái à, hôm nay đến đây thôi. Tôi phải đi rồi. Cậu thật là tốt bụng… Tôi rất cảm ơn cậu đã ngồi đây với tôi.”
Thái đột nhiên như tỉnh lại, hơi sững vì bị tách khỏi trạng thái lúc này của cậu. Thái nói: “Vâng ạ… không sao đâu ạ… cháu hi vọng là đã giúp ông được một ít”. Thái dừng một chút, có vẻ ngập ngừng muốn đứng dậy.
Thái hỏi: “Vậy ông kiểu như có thể tưởng tượng ra tất cả những hình ảnh đấy trong đầu không ạ?”
Ông Lưu dừng vài giây, nhìn ra xa rồi nói: “Không hẳn”.
Thái hỏi: “Không ạ? Ý ông là thế nào ạ?”
Ông Lưu nói: “Ừ, tôi chưa từng nhìn thấy bất kỳ thứ gì trước đây. Tôi chỉ cảm giác chút ánh sáng mạnh hay yếu thôi. Vì thế trong đầu tôi không hề có cái gì để tham chiếu cả. Tôi không có chút ý tưởng gì về việc mọi thứ xung quanh có thể trông như thế nào. Mọi thứ với tôi chỉ là không có gì.”
Thái hỏi: “Ý ông… không có gì là như thế nào? Cháu không thiểu thế nào là không có gì.”
Ông Lưu nói: “Chính xác. Nếu tôi giải thích cho cậu thế nào là Không có gì, thì cũng giống như cậu giải thích về thứ cậu nhìn thấy cho tôi. Nó không ăn thua.”
Thái thấy khó hiểu và cười nhẹ pha chút khó chịu, hỏi: “Vậy sao ông lại nhờ cháu miêu tả tất cả các thứ như vậy?”
Ông Lưu nói: “Tôi thấy người ta thường nói rằng, điều quan trọng là phải biết nhìn vào bên trong. Cậu biết đấy, kiểu như để tìm thấy sức mạnh bên trong hay ý nghĩa cuộc đời hay… mấy thứ cao siêu người ta hay nói đó. Nhưng với tôi thì… tôi chỉ có thể nhìn vào bên trong. Tôi thấy nó chẳng đi đến đâu cả. Tôi cho rằng những khoảnh khắc đẹp nhất, những trải nghiệm quý giá nhất giữ cho cuộc sống này vận động, là khi người ta hướng ra bên ngoài. Ít nhất là theo cách nói ẩn dụ nào đó.”
Ông Lưu nói tiếp: “Phần lớn chúng ta… đa phần là luôn nhìn vào bên trong, nhìn vào chính mình, nghĩ về mọi thứ sẽ có ảnh hưởng gì đến mình, rằng mình chính là tâm điểm của thế giới. Chúng ta thường để tâm xem chúng ta trông như thế nào, hành động ra sao, và chúng ta có quan trọng hay không. Nhưng nếu cậu thật sự nhìn vào bên trong thì ở đó không có gì cả. Cậu có thể tin lời tôi nói, vì đó là tất cả những gì tôi nhìn thấy.”
Ông Lưu nói: “Chúng ta đang ở ngoài này”, vừa nói vừa chỉ cả hai tay xuống đất, xoay xoay nhẹ thành vòng tròn, ý nói là ở phía bên ngoài. Ông nói tiếp: “Bên trong tất cả những chi tiết của những thứ nhỏ bé nhất, trong từng khoảnh khắc nhỏ nhất, trong khi đắm mình vào những thứ đơn giản và trần tục nhưng không thể hiểu được, và khi nhận ra ý nghĩa của những thứ cậu cảm nhận thấy… theo tôi, đó mới là sự sống.”
Ông Lưu nói: “Thật ra cậu đã giúp tôi nhiều đó Thái. Mỗi lần tôi cảm thấy là mình giúp đuợc người khác nhìn thấy rõ hơn mọi thứ thì đó là cách mà chính tôi có thể nhìn thấy thế giới. Tôi tin rằng, nếu mà có một trải nghiệm tâm linh nào đó, hay cậu gọi thế nào cũng được, thì đó không phải là khi cậu nhìn vào bên trong để tìm thấy chính mình, mà đó là khi cậu nhìn ra bên ngoài để rồi bản thân cậu tan biến.”
Thái cố gắng để hiểu đuợc câu nói của ông Lưu. Rồi hai người trò chuyện thêm một lát để nói lời tạm biệt. Cả hai không quên tỏ thái độ cảm ơn đối với người kia. Thái từ biệt ông Lưu và đi tiếp trên đoạn cầu để về nhà. Còn ông Lưu sẽ tiếp tục trở lại chỗ này trên cầu mỗi ngày.
====================================================