Chúng ta thường nghe đến các thói quen tốt và thói quen xấu. Các thói quen mang lại lợi ích thì gọi là tốt, ví dụ như ăn chín uống sôi, dậy sớm, giữ lời hứa, nói lời cảm ơn xin lỗi, cafe mỗi sáng, ngồi ở một nơi quen thuộc ưa thích… Các thói quen nào có hại thì gọi là xấu, ví dụ như ăn uống linh tinh, ngủ nướng, trễ giờ, hay cáu giận, thích lui tới những nơi tệ nạn…
Thói quen là phản xạ có điều kiện được hình thành sau một thời gian thực hành một việc nào đó. Về bản chất, thói quen được thực hiện một cách vô thức và tự động. Thói quen giúp chúng ta hoạt động như một cái máy trơn tru từ sáng đến tối: ăn món ăn quen thuộc, ngủ theo giờ quen thuộc, làm những việc thường làm, xem những thứ thích xem… Một số người coi đó là một cuộc sống êm đềm, một số người lại coi đó là nhàm chán. Vậy sự thật là gì?
Sự thật, không có cái gọi là thói quen tốt hay thói quen xấu. Tất cả các thói quen đều xấu!
Mỗi khi hành động theo thói quen, chúng ta ở một trạng thái vô thức với rất ít ý thức còn sót lại. Thực chất chúng ta không biết mình đang làm gì trong trạng thái vô thức đó. Mọi việc xảy đến đều giống như những biến cố ngẫu nhiên. Hành động trong vô thức giống như bịt mắt đi xe máy vậy. Chúng ta thấy rõ điều này trong cuộc sống hàng ngày khi mà mình chẳng thể nhớ những việc nhỏ nhặt xung quanh như: điện thoại lỡ để đâu nhỉ, mình đã tắt đèn chưa nhỉ, sao tiền trong ví lại thiếu một ít nhỉ, trưa nay mình ăn gì mà giờ tức bụng nhỉ…
Thói quen dù tốt hay xấu đều trở thành một nhà giam ý thức. Nhờ vậy, những thói quen ngăn cản chúng ta tự do lựa chọn hành động một cách cần thiết. Giống như một người có thói quen uống cafe, dù thói quen đó tốt thì nó cũng có hại trong những ngày nhức đầu ốm mệt. Ý thức yếu ớt không đủ sức để nói với chúng ta về những điều không hợp lý đó. Lúc này, ý thức đã trở thành một nô lệ cho thói quen. Đôi khi ý thức nhận thấy sự giam hãm nhưng quá yếu không thể thoát ra, đôi khi ý thức hoàn toàn mù tịt không nhận ra sự giam hãm đó.
Chúng ta không nên biến hành động thành các thói quen. Mọi hành động cần phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh. Chúng ta ăn uống những gì cơ thể hôm nay cần, ngủ đủ số giờ tùy thuộc vào sức khỏe. Cho dù hành động mỗi ngày lặp lại giống như một thói quen, song đó không phải là thói quen mà là hành động có ý thức rất đầy đủ. Mọi sự thay đổi vì thế mà không hề khó khăn nữa.
Để ý thức luôn thường trực như vậy, năng lực quan trọng nhất là khả năng quan sát. Trong mọi lúc từ khi thức dậy đến khi đặt lưng ngủ, chúng ta luôn chú tâm để quan sát những suy nghĩ và cảm xúc bên trong chúng ta, đồng thời quan sát mọi thứ xung quanh. Tâm trí càng rỗng lặng, quan sát càng thiện xảo. Năng lực quan sát cần thời gian miên mật rèn luyện.
Thẩm sát thêm một chút, chúng ta thấy những thói quen vi tế ở khắp mọi nơi. Đó là những thứ nhỏ nhặt trên thân thể như tư thế nằm ngồi, cách gãi mặt vuốt râu, việc để cốc nước bên trái, tay thích cầm một chiếc bút, gật đầu khi đồng ý… những cảm xúc khơi gợi lên khi nghe một bản nhạc, những dòng suy nghĩ tuôn ra khi gặp một vấn đề… Tất cả những hành động, suy nghĩ, cảm xúc nhỏ nhất cũng chính là những thói quen tự động bột phát ra. Liệu chúng ta có loại bỏ được hết các thói quen không? Liệu chúng ta có làm chủ được cuộc sống một cách toàn diện không? Đó là câu hỏi và mục đích của con đường thực tập.
Với ngọn đèn ý thức luôn bật sáng, gông cùm từ những thói quen sẽ dần bị phá vỡ, mang lại sự tự do viên dung mà chúng ta đang tìm kiếm.