Tại sao giác ngộ không thể tìm kiếm?
21 tháng 11 2019
2 phút đọc
giác ngộ
tâm thức
Tại sao giác ngộ không thể tìm kiếm?

Nói về sự Giác ngộ thì còn nhiều vấn đề. Ở đây chúng ta chỉ xét đến một khía cạnh nhỏ đó là trạng thái chánh niệm tỉnh thức được đức Phật đề cập. Từ đó làm rõ tại sao ngài nói bản tính giác ngộ đã có sẵn trong mỗi chúng ta.

Để đạt đến sự giác ngộ, người quan sát cần xóa bỏ toàn bộ các ý niệm đến từ lăng kính cái tôi. Để xóa bỏ nó, việc đầu tiên cần làm rèn luyện và duy trình trạng thái chánh niệm tỉnh thức một cách thường trực. Đây là trạng thái giúp chúng ta quan sát mọi sự vật hiện tượng theo cách chúng chính là, không thông qua bất kỳ lăng kính đánh giá hay phân biệt nào. Trạng thái này yêu cầu tâm thức phải tập trung vào hiện tại. Đây cũng là nguyên lý cơ bản của Thiền, phương pháp chính thống để rèn luyện chánh niệm tỉnh thức (bên cạnh các phương pháp kỳ dị khác nếu có).

Như vậy, yêu cầu tiên quyết của một tâm thức giác ngộ là phải hoàn toàn đặt tâm thức ấy trong hiện tại. Một cách rốt ráo, tâm thức ấy không bám vào các ý niệm trong quá khứ, cũng không nảy sinh các ý niệm trong tương lai, cũng không níu giữ những ý niệm trong hiện tại. Một cách vi tế, do những ý niệm của hiện tại sẽ ngay lập tức trở thành quá khứ, tâm cũng không được níu giữ cái hiện tại đó (trong kinh gọi là vô sở trụ, tức là tâm không bám lấy cái gì cả). Nói chung là phải cho qua hết. Tâm thức không bám những sự vật hiện tượng bên ngoài mà ngay cả những cảm xúc và ý niệm từ chính bên trong tâm. Tất cả đều chảy qua như nước không bám dính. Tâm thức như vậy gọi là chánh niệm tỉnh thức.

Sẽ thế nào khi chúng ta nói “đi tìm sự giác ngộ”? Tại sao khi tâm thức muốn “đi tìm” thì không bao giờ tìm thấy? Vì ngay khi cái ý niệm “đi tìm” ấy nảy ra, tâm thức đã tự đặt cho nó một mục tiêu để hướng đến: mục tiêu về một trạng thái tâm nào đó. Cái mục tiêu này nằm trong tương lai. Đó chính là mâu thuẫn, khi mà cánh của đến sự giác ngộ thì nằm ở hiện tại và tâm lại đi tìm sự giác ngộ ở tương lai.

Khi có một mục tiêu, chúng ta (hay tâm thức của chúng ta) đang hướng đến một hình thái mới mà chúng ta muốn trở thành. Cái “muốn trở thành” đó tất nhiên mang trong nó ý niệm về tương lai. Khi đã xa rời thực tại, cho dù tâm thức đó có thể giải quyết rất nhiều vấn đề thì cái ý niệm “muốn trở thành” kia vẫn là một tảng đá lớn chặn đường.

Nói “bản tính giác ngộ có sẵn trong mỗi chúng ta” nghĩa là sự giác ngộ của tâm thức không thể tìm kiếm ở đâu khác xa xôi mà phải ở tại đây và tại thời điểm này. Cái cốt lõi của tâm không cần phải thay đổi để đạt được giác ngộ. Mỗi tâm đều sẵn sàng để giác ngộ, chỉ cần hướng đến đúng cánh cửa của hiện tại và bước vào hiện tại mà thôi.