Viết lên tờ giấy trắng
11 tháng 11 2019
5 phút đọc
nuôi con
tâm lý
Viết lên tờ giấy trắng

Trẻ em giống như tờ giấy trắng và phương pháp giao tiếp với trẻ giống như chiếc bút. Bố mẹ nên biết cách dùng bút hợp lý và biết rõ mình đang viết gì.

Vấn đề : em bé bướng bỉnh

Bạn có thể nhận thấy điều tương tự với em bé của bạn: một khi bé đã biết làm gì đó hoặc được bố mẹ cho phép làm gì đó thì bé sẽ coi đó là hiển nhiên và bạn sẽ rất khó ngăn sửa bé.

  • Bạn cho bé chạy rong ăn cơm 1 lần thì bé sẽ không chịu ngồi ghế nữa.
  • Bạn để bé đổ tung tóe chậu đồ chơi ra thì bé ngày nào cũng làm như vậy.
  • Bạn cho bé một đồ vật như điện thoại, chùm chìa khóa… 1 lần thì bé sẽ tiếp tục đòi.
  • Bé hay cáu và không kiên nhẫn, sẵn sàng đánh mọi người hoặc khóc to khi không vừa ý.

Viết lên tờ giấy trắng: giao tiếp với bé

Với bé không hề có đúng hay sai, chỉ có thích thú hay khó chịu. Hành động của bé hoàn toàn là thói quen và được xây dựng chứ không phải tự nhiên sinh ra. Chúng ta cần phân biệt rõ 2 hình thức:

  • PHƯƠNG PHÁP bé giao tiếp với bạn: bé khóc, la hét, đánh bạn. Đây thuộc về bản năng cho nên bạn đừng căng thẳng. Tất cả chúng ta đều cần giao tiếp.
  • THÔNG ĐIỆP mà bé muốn giao tiếp với bạn: từ thói quen của bé hình thành do quá trình “viết lên tờ giấy trắng” của bố mẹ.

Khi chỉ nhìn vào “phương pháp” giao tiếp mà không hiểu “thông điệp”, bố mẹ dễ dàng cho rằng bé hành động khó hiểu, bé không ngoan, bé bướng bỉnh… Và “thông điệp” giao tiếp không nhất quán, bố mẹ dễ dàng gây hiểu lầm cho bé và gây mâu thuẫn. Bé là một tờ giấy trắng và cực kỳ nhạy cảm. Bất kỳ thứ gì bạn viết lên đó sẽ trở thành thế giới riêng của bé. Vậy nên, việc của bố mẹ là viết lên những nét thật chuẩn, thật đẹp, tô những mảng màu tươi sáng lên đó.

Chúng ta nên viết gì?

Viết nên những kết nối

Bé sẽ tự động kết nối với một vài người thân quen mà bé cảm thấy an toàn nhất. Bé sẽ tìm mẹ khi đói hoặc muốn thay bỉm và tìm bố khi muốn chơi. Những thói quen có vẻ là tự động này của trẻ cũng được hình thành từ các việc thông thường như ăn uống, ru ngủ, bế ẵm… cho nên chúng ta không cần quan tâm quá cụ thể.

Điểm cần dạy bé trong việc kết nối là cách quan sát thái độ của bố mẹ. Cho đến 2 tuổi, bé không phân biệt được bạn đang khen hay đang mắng, đang cổ cũ hay cấm đoán. Bé dễ dàng hiểu nhầm việc mắng mỏ chính là cổ vũ cho bé nếu bạn không giao tiếp nhất quán. Bạn có nghiêm mặt mắng thì bé sẽ vẫn cười tươi, nhưng sẽ khóc nếu bạn vừa tươi cười vừa lấy đi món đồ bé thích.

Để giao tiếp bằng thái độ với bé, hãy nhất quán. Cười khi cho bé, và nghiêm mặt khi cấm bé.

Viết nên cách phân biệt đúng và sai

Bé học đúng sai dựa trên thực nghiệm và quan sát, ở đây là nhìn theo cách bố mẹ LÀM GƯƠNG. Nếu bạn không muốn bé sờ vào máy lọc khí, hãy thử e dè và tỏ ra né tránh cái máy đó để bé quan sát bạn. Bé sẽ còn mon men lại cái máy đó nhiều lần và thử lại, nhưng hãy lặp đi lặp lại việc làm gương đó thật nhất quán.

Việc hướng dẫn bé đúng sai không dễ và cần một chút nghiêm khắc. Hãy ghi nhớ luật “lấn vạch vàng”: khi bạn đã cho phép bé làm gì đó, việc sửa lại sẽ rất khó. Nếu bé được phép trèo lên ghế thì việc đó trở nên hiển nhiên. Nếu bạn tự nhiên cấm đoán bé việc đó thì bé sẽ thấy rất vô lý và mâu thuẫn. Hãy tưởng tượng tự nhiên ai đó cấm bạn đi vào nhà WC trong khoảng 6h-9h sáng, việc mà bạn vẫn làm hàng ngày?

Tất cả những “thói hư tật xấu” mà bố mẹ nhìn thấy ở bé đều do bố mẹ tạo ra một cách vô tình hay cố ý. Bé không làm gì sai, tất cả đối với bé là đúng. Bé nhà mình không bao giờ sờ vào ổ điện, nhưng lại sẵn sàng mở các cánh tủ và bật công tắc đèn, đều là do bố mẹ cho phép làm vậy.

Vậy nên, bố mẹ cần nhất quán trong hành động: nếu bạn muốn cấm bé làm gì đó thì hãy cấm từ đầu, hoặc là phải cho phép trẻ.

Viết nên cách ứng xử

Kèm với việc biết đúng sai, bé cần biết xử lý các tình huống. Đúng sai dành cho một thời điểm, tình huống dành cho một chuỗi sự kiện.

Đây là một ví dụ đã có tác dụng với bé nhà tôi. Khi bé đòi và bạn bế ẵm bé, bé sẽ hiểu việc được bế là “hiển nhiên”. Bé sẽ liên tục đòi bế. Làm thế nào nếu bạn muốn từ chối bé? Hãy tạo ra tình huống và dạy bé. Ví dụ, chỉ đáp ứng yêu cầu đòi bế khi bạn đang đứng hoặc ngồi ghế, và TUYỆT ĐỐI không bế bé khi bạn đang ngồi bệt hoặc nằm. Nên nhớ là phải nhất quán: chỉ đáp ứng bé ở một điều kiện nhất định để bé hiểu: “à, bố chỉ bế mình khi bố đang ngồi ghế, chứ bố đang nằm thì chịu rồi”. Từ đó, bé sẽ biết khi nào nên đòi.

Khi đang ngồi ghế mà không muốn bế bé, bạn chỉ việc ngồi bệt ra. Bé có thể đòi 1 chút, nhưng tuyệt đối không làm. Đó là bạn đang thiết lập một thông điệp giao tiếp với bé.

Tô những mảng màu đẹp

Bé cần khám phá và tìm hiểu thế giới, vậy nên bạn đừng ngăn cấm bé nếu có thể. Bạn có thể cho bé chơi một chiếc cốc thủy tinh, nhưng dạy bé đừng làm vỡ nó. Bạn cho bé thử cầm cái chổi giống bạn khi quét nhà. Bạn cho bé cầm điện thoại hay tablet và dạy bé cách sử dụng. Hãy giữ cho bé không gian an toàn, và tối đa hóa những trải nghiệm của bé.

Hãy nhất quán và dành thời gian để vẽ nên một bức tranh đẹp. Bạn sẽ dành thời gian sau này đề ngắm bức tranh đó, thay vì phải vất vả đi tẩy xóa và sửa chữa nó. Giao tiếp hiệu quả với bé chính là ngòi bút của bố mẹ.


Một bài viết đăng trên Parents Hub @Baby Hub