5 lý do không nên đánh lạc hướng trẻ
30 tháng 10 2019
5 phút đọc
nuôi con
tâm lý
5 lý do không nên đánh lạc hướng trẻ

Đánh lạc hướng là một mẹo rất phổ biến giúp cho bố mẹ vượt qua một số tình huống khó chịu của trẻ. Tuy nhiên lạm dụng điều này lại không tốt chút nào.

Hãy lấy ví dụ khi chúng ta thấy con tìm được một cái bút và định vẽ lên tường, chúng ta có thể giải thích thẳng thắn: “Con không được vẽ lên tường, rất bẩn. Đây, nếu con vẽ thì phải vẽ lên giấy này”, hoặc chúng ta có thể đánh lạc hướng bé sang việc khác: “con định vẽ à, vậy con vẽ con vịt ra tờ giấy này cho mẹ xem”.

Khi chúng ta chuyển chủ đề thì tình huống lập tức nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể giữ cho bức tường sạch sẽ ngay lúc đó. Tuy nhiên, khi bị đánh lạc hướng, trẻ sẽ không học được rằng “vẽ lên tường là xấu” và đến một lúc nào đó trẻ sẽ thử lại nếu có cơ hội.

Trên đây chỉ là một trong các vấn đề của mẹo đánh lạc hướng trẻ. Bài này đưa ra 5 lý do chúng ta nên tránh việc đánh lạc hướng trẻ.

1. Người lớn phải sống giả với trẻ. Việc đánh lừa trẻ không tốt cho mối liên hệ và giao tiếp giữa người lớn và trẻ vì chúng ta sẽ dần lạm dụng nó và luôn phải tự vẽ ra những việc ngoài sự thật. Cho dù khó chịu khi phải đối mặt với hậu quả từ hành động của trẻ (như vẽ lên tường), chúng ta nên tin là trẻ xứng đáng được nhận những phản hồi trung thực. Khi tình huống nằm trong tầm kiểm soát, chúng ta không nên giận dữ cũng như không nên giả dối với trẻ. Giữ bình tĩnh và giải thích cho trẻ là cách tốt nhất để điều chỉnh hành vi của trẻ: “Con có thể vẽ lên giấy, hoặc làm gì khác, không vẽ lên bẩn tường”.

Tất nhiên trẻ sẽ buồn - và điều đó là tự nhiên khi trẻ gặp phải ý kiến trái chiều. Thực chất điều đó rất tốt vì trẻ được trải nghiệm cảm xúc và hiểu điều mà người lớn mong muốn: “Con rất muốn vẽ lên tường và mẹ không cho phép điều đó”. Trẻ có khả năng tự thích nghi rất tốt để trải nghiệm các tình huống mâu thuẫn này, an toàn và phù hợp với lứa tuổi.

2. Trẻ mất các bài học về giải quyết mâu thuẫn. Trẻ em cần tập cách xử lý những bất đồng với bố mẹ và các bạn khác. Khi trẻ đang tranh giành đồ chơi và chúng ta can thiệp ngay: “Oh, đằng kia còn nhiều đồ chơi khác hay kìa con…”, thì chúng ta đã lấy mất cơ hội rất giá trị để trẻ học cách tự giải quyết mâu thuẫn. Đánh lạc hướng trẻ sang một món đồ chơi hay hơn có thể giúp trong trường hợp trẻ thực sự bế tắc. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, trẻ tập trung vào xử lý mâu thuẫn tranh giành hơn là vào món đồ chơi. Song bất kể đang tập trung vào đâu thì trẻ đều cần thời gian để xử lý hơn là để lảng tránh vấn đề.

3. Bố mẹ mất cơ hội chỉ bảo trẻ. Như ví dụ ban đầu, trẻ sẽ học được gì khi chúng ta đánh lạc hướng để trẻ vẽ con vịt thay vì ngăn cản trẻ vẽ lên tường? Trẻ cần được hướng dẫn các quy tắc ứng xử, trước tiên là trong nhà, sau đó là hiểu được những kỳ vọng của bố mẹ. Đánh lạc hướng trẻ sẽ làm bố mẹ mất đi một tình huống để chúng ta dạy bảo trẻ.

4. Hạn chế khả năng tập trung và nhận thức. Đánh lạc hướng trẻ đồng nghĩa với việc yêu cầu trẻ chuyển pha và quên đi tình huống hiện tại. Khi còn nhỏ, khoảng thời gian tập trung của trẻ rất ngắn và mẹo đánh lạc hướng rất hiệu quả. Khoảng thời gian tập trung sẽ dài ra khi trẻ lớn. Việc đánh lạc hướng trẻ sẽ làm cho thời gian tập trung ngày càng ngắn hơn nữa, gây khó khăn cho trẻ trong tương lai.

Trái lại, khi không bị đánh lạc hướng, trẻ tập trung cao hơn và khó bị đánh lừa hay dụ dỗ khỏi việc đang làm (như ý định muốn vẽ lên tường). Để hướng trẻ vào phút giây hiện tại và sự nhận thức, trẻ cần có câu trả lời ngay thật từ người lớn, những câu trả lời trực tiếp vào việc mà trẻ đang tập trung.

Một đứa trẻ có sự nhận thức hiện tại đôi khi sẽ phiền phức và chúng ta rất khó đánh lừa trẻ kiểu: “Úi, điên thoại biến đâu mất rồi, đây con chơi xúc xắc đi”. Tuy nhiên, sự nhận thức hiện tại và khả năng tập trung rất quan trọng trong học tập và sẽ giúp trẻ trong suốt cuộc đời.

5. Mất đi sự tôn trọng giữa hai bên. Đánh lạc hướng trẻ là chúng ta đã đánh giá thấp trí thông minh của trẻ. Trẻ cần được tôn trọng giống như người lớn. Chúng ta có bao giờ đánh lạc hướng một người lớn khi họ không đồng ý bằng việc bắt họ đi lau nhà không? Tại sao chúng ta lại coi trẻ là ngốc nghếch? Trẻ hoàn toàn biết việc chúng đang làm và luôn tìm ra giải pháp theo cách của riêng mình. Lúc này, người lớn có cơ hội để truyền đạt hiểu biết đúng sai và điều chỉnh thái độ của trẻ.


Dưới đây là một số cách đáp trả cho trẻ, không những hiệu quả mà chúng ta còn cảm thấy được tôn trọng và chân thành:

1. Với người lớn: Làm chủ và tránh bị cuốn theo trẻ.

  • Làm chủ hành động: Thở sâu, dừng lại và quan sát. Chúng ta quan sát trẻ cho đến khi trẻ thực sự chuẩn bị gây rắc rối (như sắp vẽ lên tường). Ngay lúc ấy, chúng ta mới tham dự (như giữ tay trẻ một cách nhẹ nhàng và giải thích). Nếu trẻ đồng ý, chúng ta lại thở sâu và quan sát.
  • Làm chủ cảm xúc: Giữ bình tĩnh, đồng cảm, nhưng kiên quyết. Trong trường hợp trẻ mâu thuẫn với bạn, giải thích cho trẻ một cách khách quan mà không trách móc.

2. Với trẻ: tương tác để tăng sự nhận thức.

Thừa nhận những cảm xúc và góc nhìn của trẻ. Khi cảm xúc của trẻ cân bằng lại, chúng ta có thể tâm sự: “Bạn lấy mất đồ chơi của con, con có buốn không?”

Động viên và kích thích tính tò mò. Chúng ta thường muốn tình huống được giải quyết nhanh chóng nên sẽ lạm dụng mẹo đánh lạc hướng. Với tâm lý muốn nhanh chóng, chúng ta dễ bỏ qua những khoảnh khắc giá trị. Với mỗi hành động của trẻ, hãy đưa ra nhận xét để trẻ học được từ người lớn.


Bài dịch từ Janet Lansbury dành cho Baby Hub - Parents Hub