Chìa khoá để dọn dẹp căn nhà đặt câu hỏi: “Đồ vật này có mang lại niềm vui nhỏ xinh hay không?“. Xác định niềm vui mà những đồ vật mang lại khiến căn nhà chỉ chứa những đồ vật bạn yêu thích. Đó là cách để tự khám phá bản thân, chánh niệm và hoàn thành mọi công việc.
Gần đây tôi có đọc cuốn ”Nghệ thuật bài trí của người Nhật” của tác giả Marie Kondo. Cuốn sách đề xuất phương pháp dọn dẹp nhà cửa bằng việc vứt bớt đồ thừa. Vợ chồng tôi muốn hướng tới phong cách sống tối giản, và việc đầu tiên có lẽ là dọn dẹp căn nhà.
Ngày đặt chân đến Vienna, toàn bộ đồ đạc của tôi gói gọn trong 1 chiếc valy và một vài túi xách. Sau 4 năm, tôi đang ở căn nhà đầy ắp đồ đạc từ nhà kho, nhà bếp đến phòng ngủ phòng khách. Đã nhiều lần chúng tôi kế hoạch vứt bỏ đồ đạc những vẫn chưa như ý. Phương pháp của KonMari đã gợi mở rất nhiều ý tưởng cho tôi. Phương pháp này gồm 2 phần: (1) vứt bỏ vật dụng thừa và (2) cất giữ vật dụng.
Vứt bỏ đồ thừa
Việc vứt bỏ đồ thừa được bắt đầu bằng việc phân loại theo nhóm, thay vì dọn dẹp theo phòng. Các nhóm đồ đạc như trang phục, sách vở, giấy tờ, quà tặng… nên được sắp xếp chung.
Trang phục - bao gồm áo, quần, tất/đồ lót, túi xách, phụ kiện (khăn, thắt lưng, mũ nón), đồ đặc biệt (bơi, đồng phục), giày dép.
- Không nên dùng lại quần áo ngoài đường làm quần áo trong nhà.
- Quần áo nên gấp, không nên treo để tiết kiệm diện tích
- Treo quần áo theo thứ từ từ trái sang phải, từ nặng đến nhẹ
- Không phân biệt quần áo theo mùa. Quần áo hiện nay có thể mặc quanh năm vì hệ thống sưởi rất tốt. Thủ tục soạn quần áo mỗi 6 tháng có thể bỏ đi.
Sách vở - bao gồm sách chung chung giải trí, sách thực hành, hình ảnh, tạp chí.
- Sách thường rất ít khi đọc lại. Sau khi đọc xong hoàn toàn có thể vứt bỏ.
- Chỉ giữ lại những cuốn rất thích (cho dù cũng không đọc lại)
- “Khi nào có thời gian tôi sẽ đọc” đồng nghĩa với “không bao giờ đọc”, nên vứt.
- Một số cuốn có ích, nên sao chép lại các dẫn chứng hoặc các trang quan trọng.
Giấy tờ - giấy bắt buộc lưu trữ, giấy ít sử dụng (hợp đồng, bảo hành), giấy hay dùng
- Các tài liệu khoá học đã qua nên vứt bỏ
- Các loại sao kê tài khoản, giấy báo lương nên vứt bỏ
- Sổ tay hướng dẫn thiết bị nên vứt bỏ
- Giấy bảo hành rất ít dùng, để tất cả vào 1 túi
- Thiệp chúc mừng: giữ lại những thiệp rất thích còn lại nên vứt bỏ
Tạp phẩm loại 1 - đĩa CD/DVD, dưỡng da, đồ trang điểm, phụ kiện, vật có giá trị hết hạn (hộ chiếu, thẻ tín dụng), thiết bị điện tử, đồ văn phòng, các đồ cho gia đình (nước rửa, thuốc, giấy ăn), các đồ làm bếp.
- Chỉ nên giữ những đồ hiện tại mình còn thích
- Nên vứt bỏ những thứ mình “vốn thích” nhưng nay đã hết
Tạp phẩm loại 2 - là những đồ chỉ dùng 1 lần
- Quà tặng chỉ nên giữ lại những thứ mình thích
- Hộp đựng thiết bị điện, dây rợ không rõ mục đích, cúc áo dự phòng, tivi/đài hỏng, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ… có thể vứt
- Ảnh chụp, tuy rất khó, nhưng nếu không xem lại bao giờ cũng nên vứt
Điều thú vị là cách mà tâm trí con người cố gắng tạo ra ý nghĩa cho những thứ chẳng có ý nghĩa gì cả - Marie Kondo
Cất giữ đồ đạc
Cách cất giữ đồ đạc hiệu quả là theo hướng đơn giản hoá.
- Cất đồ đạc cùng loại ở cùng một chỗ. Việc phân loại khi cất trữ không cần quá chi tiết
- Không nên phân loại theo tần suất sử dụng, tất cả đồ đạc đều nên được dùng
- Hạn chế chồng đống (quần áo, sách vở). Việc xếp chồng không tốt cho những vật phía dưới, dễ lộn xộn, khó lấy
- Sử dụng các loại hộp. Chỉ dùng hộp vuông và chữ nhật.
- Mỗi ngày về nhà: làm rỗng túi xách để tránh lãng quên các đồ trong túi. Mọi người thường nghĩ “Ngày mai tôi vẫn dùng cái này”, và để nguyên đồ trong túi, như vậy là sai.
- Nhà bếp ngăn nắp đúng vị trí. Các hộp gia vị để trong tủ đựng, không để gần chỗ nấu ăn dù với tay dễ lấy. Chỗ cất giữ khác với chỗ nấu nướng.
- Quần áo mới mua về, bỏ ngay nhãn mác.
Ý kiến
Một số điểm của phương pháp này rất hay, ít nhất nó thúc đẩy việc loại bớt những đồ thừa một cách hiệu quả. Tất nhiên khi áp dụng còn tuỳ vào tính cách mỗi người và hoàn cảnh. Tôi là người đơn giản trong ăn mặc nên việc dọn dẹp quần áo tôi rất đồng ý. Tuy nhiên tôi thường thích giữ lại những đồ vật gắn với những kỷ niệm vì chúng mang lại cảm giác rất đẹp. Dù sao, việc dọn dẹp và thực hành một phong cách sống không phụ thuộc vào vật chất là rất tốt.