Các trường phái triết học
7 tháng 1 2019
10 phút đọc
triết học
kiến thức
Các trường phái triết học

Triết học nghiên cứu tổng quát và nền tảng các vấn đề chưa có lời giải đáp như sự tồn tại, sự nhận thức, các giá trị, phép suy luận, lý trí, và ngôn ngữ. Triết học chia làm nhiều nhánh khác nhau với mục tiêu giải quyết các câu hỏi nền tảng.

Các nhánh nghiên cứu chính của triết học gồm:

  • Siêu hình học: nghiên cứu về trạng thái và tính chất của thực tại.
  • Logic học: nghiên cứu các nguyên tắc lập luận đúng bằng cách kiểm tra tính hợp lệ và các nguỵ biện của chúng.
  • Nhận thức luận: nghiên cứu về bản tính và phạm vi của tri thức và niềm tin.
  • Đạo đức học: nghiên cứu về chính nghĩa, điều tốt đẹp và các giá trị.
  • Mĩ học: nghiên cứu về vẻ đẹp của tự nhiên, nghệ thuật, hương vị và khả năng tạo ra

Sau đây là các trường phái triết học phân chia theo một số vấn đề cụ thể. Các trường phái được sắp xếp theo một thứ tự có ý nghĩa.

Thực tại khách quan, vật chất và ý thức

  • Thực tại là vật chất, không có ý thức
    • Thuyết hữu thực, chủ nghĩa vật lý (physicalism): Thực tại là thế giới vật lý, không có gì ngoài vật lý.
    • Chủ nghĩa tự nhiên (natualism): Thực tại bao gồm các quy luật tự nhiên, không bao gồm các hiện tượng siêu nhiên hoặc tâm linh.
  • Thực tại thiên về vật chất
    • Chủ nghĩa duy vật (materialism):Thực tại là thế giới vật chất. Vật chất có trước và quyết định ý thức. Thế giới không do ai sáng tạo ra và có tính vĩnh viễn, vô hạn.
    • Chủ nghĩa duy vật biện chứng (dialectical materialism): Thực tại hình thành dựa trên cơ sở đấu tranh giữa các mặt đối lập ở ngay trong lòng sự vật với từng thời kỳ trung gian hoà hợp.
    • Chủ nghĩa duy vật tiêu trừ (eliminative materialism): Thực tại là một phần thế giới vật chất được phản ánh qua ý thức của con người. Nhiều khái niệm phổ biến và môn khoa học là không tồn tại thực tế.
  • Thực tại không thiên về vật chất hay ý thức
    • Thuyết đồng nhất (type physicalism, mind–brain identity theory): Thực tại vừa là ý thức, vừa là vật chất. Các trạng thái tinh thần là đồng nhất với các trạng thái của bộ não.
    • Thuyết nhất nguyên trung dung (neutral monism): Thực tại không phải vật chất, cũng không phải ý thức. Tuy nhiên, thực tại có khả năng tự biểu hiện bằng một trong hai yếu tố đó.
    • (Chủ nghĩa thực tại phê phán (critical realism): Thực tại gồm 3 yếu tố, ngoài vật chất và ý thức còn một yếu tố là bản chất (essence).
  • Thực tại thiên về ý thức
    • Chủ nghĩa tương đối (realivism): Thực tại là tương đối tuỳ thuộc vào góc nhìn và mối quan tâm.
    • Chủ nghĩa hiện sinh (existentialism): Thực tại là những giá trị do chính con người tạo ra cho chính mình bằng hành động, bản thân (cái tôi) chính là thực tại cơ bản.
    • Chủ nghĩa duy tâm phê phán (critical idealism): Thực tại nằm trong tập kinh nghiệm của con người và con người không thể quyết định bất kỳ việc gì vượt ra ngoài kinh nghiệm của mình.
    • Chủ nghĩa duy tâm (idealism): Thực tại là ý thức. Ý thức có trước và quyết định vật chất.
  • Thực tại là ý thức, không có vật chất
    • Chủ nghĩa chủ quan (subjectivism): Thực tại là ý thức chủ quan của con người. Chỉ các hoạt động tâm lý của chính cá nhân mới là kinh nghiệm thật sự. Kinh nghiệm này không thể chia sẻ, vì thế không có sự thật khách quan nào bên ngoài tâm lý chủ quan.
    • Thuyết duy ngã (solipsism): Thực tại là cái tôi và chỉ có cái tôi là tồn tại. Không có sự thật khách quan bên ngoài nào cả
    • Thuyết thực thi (enactivism): Thực tại là ý thức có sự tương tác với môi trường. Sinh vật có khả năng lựa chọn môi trường phù hợp với khả năng của mình để hình thành ý thức.
    • Thuyết hiện tượng (phenomenalism): Thực tại là ý thức bị hạn chế ở những hiện tượng thấy được. Con người nhận thức được thế giới nhưng không nhận thức được “vật tự nó”, hay bản chất sự vật.

Nhận thức là gì

  • Chủ nghĩa duy lý (rationalism): Nhận thức bắt nguồn từ lý tính, không có sự tham gia của kinh nghiệm cảm tính từ các giác quan với thế giới bên ngoài.
  • Thuyết phẩm chất của Pirsig (MOQ): Nhận thức dựa trên khái niệm “phẩm chất” (quality/value, tương đồng với “đạo” trong đạo giáo), là một thứ không thể định nghĩa được vì nó luôn đi trước các phân tích. Luôn tồn tại một kinh nghiệm nhận thức trước khi nó được nghĩ đến hoặc mô tả bằng học thuật. Ví dụ: một đoạn nhạc được cho là hay trước khi nó được phân tích và giải thích tại sao nó hay. Phẩm chất là nhân tố thúc đẩy mọi thứ trong thực tại phát triển cũng như hình thành nhận thức.
  • Chủ nghĩa rời rạc (disjunctivism): Nhận thức bao gồm những trải nghiệm thực tế và trải nghiệm ảo giác. Nhiều khi thực tế và ảo giác là không thể phân biệt được.
  • Chủ nghĩa tự nhiên sinh học (biological naturalism): Nhận thức được sinh ra từ quá trình sinh học của hệ thần kinh, ý thức là một chức năng cao hơn của bộ não. Không có sự phân biệt ý thức và thể xác, ý thức là một phần của thế giới khách quan
  • Chủ nghĩa phê phán (criticism): Nhận thức sinh ra từ tính chất giáo điều chủ nghĩa duy lý và tính chất hoài nghi của chủ nghĩa kinh nghiệm.
  • Chủ nghĩa thực chứng (positivism): Nhận thức sinh ra từ việc thực chứng, tức là khoa học. Những kinh nghiệm có thể kiểm chứng được là nguồn gốc duy nhất của kiến thức chân chính, phủ nhận giá trị nhận thức của nghiên cứu triết học hay siêu hình
  • Chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism): Tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm cảm tính từ các giác quan, việc khái quát hoá và lý luận không mang lại tri thức.
  • Chủ nghĩa cảm giác (sensualism): Cảm giác là nguồn gốc duy nhất của nhận thức.

Chúng ta có nhận thức được thực tại không

  • Thuyết bất khả tri (agnosticism): Không thể nhận thức được thế giới khách quan và những quy luật của nó, hay ít nhất không thể nhận thức một cách triệt để.
  • Chủ nghĩa công cụ (instrumentalism): Tri thức không thể phản ánh hiện thực khách quan. Các khái niệm, quy luật và lý thuyết khoa học chỉ là những công cụ để tìm hiểu thế giới, không thể mô tả thế giới.
  • Chủ nghĩa hoài nghi (skepticism): Nghi ngờ khả năng nhận thức được hiện thực khách quan, không khẳng định hay phủ nhận sự tồn tại của bất cứ sự vật nào, không phán đoán hay đánh giá bất cứ sự việc nào, cho tri thức của con người về sự vật là không thể tin được.
  • Nguyên lý đột sinh (emergentism): Một sự vật có những đặc tính mà các thành phần tạo nên nó không có. Vì vậy, một mặt, nhận thức chứa đựng những tính chất mới dựa trên sự tương tác giữa các thành phần (những tính chất của hệ thống, không phải của chính sự vật). Mặt khác, nhiều nguyên lý vi mô hoặc vĩ mô không thể nhận thức được cho dù thực tại có xảy ra.
  • Thuyết nguyên tử (atomism): Nhận thức dừng lại ở các hạt cơ bản cực nhỏ. Vật chất được cấu tạo gián đoạn không liên tục bởi các hạt cực nhỏ không thể phân chia, không có cấu trúc, đồng nhất về chất lượng. Sự kết hợp của nguyên tử theo những cách khác nhau tạo nên muôn hình muôn vẻ của thế giới.
  • Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism): Chân lý rất là tương đối, tiêu chuẩn của chân lý là sự thành công, giá trị của chân lý là ở tính có ích, có lợi thực tiễn. Nhận thức dựa trên sự thực dụng của thế giới khách quan.

Đấng sáng tạo

  • Chủ nghĩa hữu thần (theism): Thượng đế siêu tự nhiên, có tính cách riêng biệt, tạo ra vũ trụ, tác động đến tất cả các quá trình vật chất và tinh thần. Tất cả những gì diễn ra trên thế giới đều được coi là ý định của Thượng đế.
  • Thuyết tiến hoá hữu thần (theistic evolutionism): Thượng đế tạo ra vũ trụ vật chất và sự tiến hoá sinh học là một quá trình tự nhiên trong sáng tạo đó. Tiến hoá là một công cụ của Thượng đế làm việc để phát triển cuộc sống con người.
  • Chủ nghĩa phiếm thần (pantheism): Thượng đế đồng nhất với thế giới, Thượng đế với tự nhiên là một, tự nhiên là biểu hiện của thần thánh.
  • Nguyên lý phát toả (emanationism):Mọi vật trong vũ trụ đều bắt nguồn từ Thượng đế hoàn hảo, từ đó lan toả xuống các cấp độ thấp hơn. Ở mỗi bước lan toả, các sinh mệnh phát ra đều kém tinh khiết, kém hoàn hảo, ít thần thánh hơn.
  • Chủ nghĩa nhân vị (personalism): Toàn bộ thế giới là một công đồng nhân vị và Thượng đế là nhân vị tối cao. Nhân vị là bản thể tinh thần, có trước vật chất.
  • Thuyết hoạt lực, thuyết sinh khí (vitalism): Quá trình sự sống là do có một động lực siêu vật chất đặc biệt gọi là hoạt lực (vis vistalis), không thể nhận thức được, chi phối mọi quá trình lý hoá trong cơ thể. Giới vô cơ không thể tiến triển thành sinh thể nếu không có tác động của hoạt lực đó.

Tự do ý chí

  • Chủ nghĩa định mệnh (fatalism): Mọi sự việc đều do một lực lượng siêu nhiên định trước, con người không thể ngăn ngừa, không thể tác động đến quá trình sự việc.
  • Thuyết hành vi (behaviorism): Hành vi của con người dựa trên những sự kiện con người có thể nhận ra, không dựa trên quá trình tự nhận thức trong não hay những sự kiện không thấy rõ. Từ đó: (1) hành vi là kết quả của quá trình thành lập phản xạ có điều kiện, (2) hành vi chịu ảnh hưởng của kết quả mà chính nó gây ra.
  • Thuyết chức năng (functionalism): Hành vi dựa trên chức năng sinh học định trước có liên hệ với những trạng thái tinh thần (niềm tin, sự hãi, đau đớn…). Các trạng thái tinh thần có đầu vào là các cảm giác và đầu ra là hành vi.
  • Thuyết quyết định (determinism): Hành vi và những trạng thái tâm lý, cũng như mọi hiện tượng, đều được sinh ra từ nguyên nhân cố định và xác định từ trước. Quy luật nhân quả quyết định mọi thứ kể cả ý chí.

Xu hướng của thế giới

  • Chủ nghĩa lạc quan (optimism): Thế giới sẽ ngày càng tốt đẹp hơn trong tương lai, cái thiện sẽ thắng cái ác, chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa, con người biểu hiện thái độ đánh giá tích cực trong khi cảm nhận thế giới thực tại và triển vọng tương lai.
  • Chủ nghĩa cải thiện (meliorism): Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu con người đóng góp cải thiện thế giới dựa vào năng lực bản thân.
  • Chủ nghĩa bi quan (pessimism): Thế giới sẽ đi đến chỗ tồi tệ hơn, con người không tin vào cái thiện và chính nghĩa, con người đánh giá tiêu cực trong quan niệm về thế giới trước mắt và tiến triển tương lai.

Chúng ta nên làm gì? (cái gì là tốt và xấu)

  • Chủ nghĩa khoái lạc (hedonism): Nên mưu cầu hưởng thụ, khoái lạc là hạnh phúc tối cao, giảm thiểu khổ đau.
  • Chủ nghĩa nhân đạo (humanism): Lấy con người tiến lên tự do làm trung tâm, xuất phát từ sự tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của con người, tin vào sức sáng tạo vô biên của con người, yêu con người và cuộc sống trần gian.
  • Chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism): Nên mưu cầu tự do trong cộng đồng, đòi hỏi quyền tự trị và tự quyết. Các giá trị đạo đức giữa quan hệ người với người cần dựa trên sự tự nguyện và đồng thuận chung.
  • Chủ nghĩa vị lai (futurism): Nên mưu cầu các giá trị hiện đại mà bỏ đi truyền thống, đặc biệt là văn minh đô thị, máy móc, tốc độ và công nghệ mới.
  • Chủ nghĩa hư vô (nihilism): Nên mưu cầu tự do cá nhân hoàn toàn bởi cuộc sống không có mục tiêu nào là có ý nghĩa hoặc có giá trị nội tại. Đạo đức vốn đã không tồn tại và do con người thiết lập một cách trừu tượng giả tạo.
  • Chủ nghĩa siêu thực (surrealism): Nên đắm chìm giữa thực tế và mộng ảo, tìm hiểu tiềm thức qua những giấc mơ.
  • Thuyết mục đích (teleology): Nên mưu cầu an phận thủ thường vì mọi sự vật sinh ra đều có mục đích, mọi sự phát triển là để thực hiện những mục đích đã được định trước. Ví dụ: mèo ăn chuột, chuột sinh ra là để mèo ăn.
  • Chủ nghĩa khổ hạnh (asceticism): Nên mưu cầu sự tiết chế như cấm dục, chịu khổ nhục, làm chủ cảm giác khoái lạc và đâu đớn, từ bỏ các phúc lợi vật chất nhằm đạt tới lý tưởng đạo đức hoặc tôn giáo.

Tham khảo

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_philosophies
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_schools_of_philosophy
  3. https://en.wikipedia.org/wiki/Outline_of_philosophy
  4. http://philosophy-in-figures.tumblr.com/